Diễn biến Chiến_dịch_Hòa_Bình

Đợt 1 (10 - 26 tháng 12 năm 1951)

QĐNDVN tập trung đột phá tuyến Sông Đà: đánh quân đội Pháp càn quét ở Nam Ba Vì, tiến công diệt cứ điểm Tu Vũ (xem trận Tu Vũ, 10 tháng 12 năm 1951), đánh nhiều trận phục kích cắt đứt tuyến vận chuyển của quân đội Pháp trên Sông Đà, uy hiếp đường 6, đồng thời đánh mạnh ở vùng quân đội Pháp hậu Bắc Ninh. Pháp rút bớt lực lượng cơ động từ Hòa Bình về Bắc Ninh để đối phó, nhưng ngay sau đó phải đưa quân trở lại cứu nguy cho Hòa Bình.

Trận Tu Vũ là trận công kiên then chốt mở màn Chiến dịch Hòa Bình. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu chiến dịch, xác định trận mở màn quyết định là cứ điểm Tu Vũ (nay thuộc xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Mục tiêu trận đánh là tiêu diệt một bộ phận sinh lực, triệt đường tiếp tế chủ yếu trên sông, mở rộng đường giao thông vận chuyển chiến lược, tạo thế cho chiến dịch phát triển để giành thắng lợi.

Tại cứ điểm Tu Vũ, Pháp bố trí một tiểu đoàn Âu-Phi, một đại đội Mường số 6, tổ chức phòng ngự thành 3 khu (A, B, C) với 3 xe tăng, có công sự gỗ đất, 4 hàng rào kẽm gai, được lực lượng pháo binh ở Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp yểm trợ. Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Cứ điểm Tu Vũ thuộc phân khu Sông Đà-Ba Vì, tổ chức phòng ngự ở vào thế tương đối yếu so với các vị trí khác, bởi nằm ở vị trí dễ bị cô lập khi bị tiến công do sông ngăn cách và xa các căn cứ Sơn Tây, Trung Hà. Muốn ứng cứu cho cứ điểm Tu Vũ khi bị tiến công, Pháp chỉ có thể sử dụng đường bộ theo trục đường số 87 và đường thủy theo dòng sông Đà.

Các lực lượng tham gia trận đánh Tu Vũ gồm Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) được tăng cường một tiểu đoàn bộ binh và 8 khẩu sơn pháo 75mm, cùng một đại đội súng phòng không 12,7mm. Theo kế hoạch, 17 giờ ngày 10 tháng 12 năm 1951, các đơn vị bí mật hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, đến hơn 23 giờ cơ bản tới các vị trí tập kết. Bộ chỉ huy chiến dịch xác định 3 hướng tiến công: Hướng chủ yếu, do Tiểu đoàn 29 được tăng cường một khẩu DKZ 57mm, 2 bazoka, tổ chức 2 mũi đột phá tiến công, tiêu diệt Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 và lực lượng địch ở khu A. Hướng thứ yếu, do Tiểu đoàn 23 được tăng cường một khẩu ĐKZ 57mm, hai đại liên, tổ chức thành hai mũi đột phá, tiêu diệt địch ở khu B. Hướng phối hợp, Tiểu đoàn 322 được tăng cường một đại đội bộ binh, hai khẩu ĐKZ 57mm, hai cối 82mm, hai đại liên, một sơn pháo 75mm, tiến công tiêu diệt địch ở khu C. Còn Tiểu đoàn pháo binh 80 (thiếu) làm đội dự bị sẵn sàng chi viện hỏa lực cho các hướng khi có lệnh.

Ngay sau đó, bộ đội tổ chức các mũi tiến công mãnh liệt vào các vị trí quân địch. Hướng phối hợp nổ súng trước, sau 2 giờ chiến đấu chiếm được khu C. Tiếp đó, trên hai hướng chủ yếu và thứ yếu, sau khi dùng hỏa lực pháo binh chế áp, các đơn vị tổ chức thành các mũi đồng loạt đột phá mãnh liệt vào 2 khu A và B, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm. 3 giờ 30 phút ngày 11 tháng 12 năm 1951, QĐNDVN làm chủ hoàn toàn trận địa.

Trận Tu Vũ là một trong những trận đánh công kiên điển hình quy mô trung đoàn tiêu diệt các cứ điểm độc lập tiểu đoàn ở trung du-đồng bằng, nơi Pháp có ưu thế về hỏa lực và sức cơ động lực lượng. Trong quá trình diễn ra trận đánh, Pháp huy động pháo binh bắn gần 5000 quả đạn ngăn chặn, nhưng chỉ huy trung đoàn đã kịp thời củng cố đơn vị, tiến sát hàng rào kẽm gai để tránh hỏa lực sát thương. Thắng lợi ở Tu Vũ mở ra khả năng một trung đoàn bộ binh QĐNDVN hoàn toàn có đủ khả năng đánh thắng một tiểu đoàn Pháp có xe tăng, thiết giáp phòng ngự cứ điểm có công sự vững chắc, với hỏa lực pháo binh chi viện mạnh. Đây cũng là trận đánh cung cấp kinh nghiệm quý về chiến thuật công kiên và nghệ thuật đánh trận then chốt mở màn chiến dịch lớn, sẽ phát huy tác dụng lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.

Các đội dân quân du kích cũng đẩy mạnh hoạt động tập kích. Sáng 11 tháng 12, một đoàn ca nô Pháp từ phía Trung Hà tiến lên bị tiểu đoàn 84 trung đoàn 36 phục kích ở Đoan Hạ, bắn chìm một chiếc, bắn bị thương hai chiếc, số còn lại chạy về Trung Hà. Chiều 11 tháng 12, một đoàn ca nô khác từ thị xã Hòa Bình xuống, bị tiểu đoàn 6 trung đoàn 141 phục ở Lạc Sơn, bắn chìm một chiếc, bắt 15 tù binh. Tuyến cơ động trên sông Đà của Pháp bị cắt đứt.

Ngày 13 tháng 12, tại phía bắc thị xã Hòa Bình, quân Pháp đi sục sạo đến xóm Mới, gặp tiểu đoàn 16 trung đoàn 141 chặn đánh, thiệt hại một trung đội và phải rút về thị xã. Ngày 14 tháng 12, Pháp rút binh đoàn cơ động số 4 về Trung Hà, kết thúc cuộc càn quét vùng Ba Vì.

Tiêu biểu cho các trận phục kích là các trận đánh ở dốc Giang Mỗ cạnh đ­ường 6A (cũ) thuộc địa phận xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Ngày 12, trung đoàn 66 của Đại đoàn 304 phục kích trên quãng đường từ Cầu Dụ đến Hang Đá, cách Hòa Bình 15 km về phía đông bắc. 11 giờ 45 phút, 30 xe tải phủ bạt kín từ Xuân Mai lên, cùng lúc 4 xe chở đầy lính từ Hòa Bình xuống đón. Chờ cho đoàn xe lọt vào trận địa, bộ đội nổ súng tiêu diệt xe đi đầu và cuối đoàn xe. Toàn bộ đoàn xe bị chặn lại ở khu vực Cầu Dụ. Dưới sự chi viện của hỏa lực, bộ đội vận động đánh thẳng vào đoàn xe. Sau 20 phút chiến đấu, 34 chiếc xe và toàn bộ quân Pháp trên xe bị tiêu diệt.

Ngày 13 tháng 12 năm 1951, tiểu đoàn 352 trung đoàn 9 được một trung đội địa phương Hòa Bình phối hợp chiến đấu thực hiện trận phục kích ở làng Giang Mỗ, đoạn từ Hòa Bình đi Chợ Bờ, cách thị xã Hòa Bình khoảng 10 km. Quân Pháp lọt vào trận địa, tiểu đoàn 352 nổ súng quyết liệt. Sau 30 phút chiến đấu, năm xe GMC và xe tăng bị phá hủy, hơn một đại đội Âu-Phi bị diệt và bị bắt. Lúc chuẩn bị rút thì xe tăng Pháp tiếp viện tới bắn dữ dội vào đội hình, chặn đ­ường rút và làm nhiều người thương vong. Chiến sĩ Cù Chính Lan hô anh em tập trung l­ưu đạn cho mình rồi tìm cách tiếp cận nhảy lên xe, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe, lính tăng Pháp nhặt l­ựu đạn ném ra và lái xe tăng chuyển hướng. Cù Chính Lan táo bạo mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra được một vài giây rồi mới ném vào buồng lái. Lựu đạn nổ diệt hết lính tăng trong xe, chiếc xe dừng lại tại chỗ, trận đánh kết thúc thắng lợi. Xác chiếc xe tăng hiện nay vẫn nằm ở giữa khu đất có kè đá xung quanh, chiếc xe tăng mang nhãn hiệu Mỹ: "B2885498USA".

Trong lúc tình hình chiến sự căng thẳng thì quân Pháp lại nhận tin xấu: bệnh tình của tướng De Lattre đã vô vọng cứu chữa. Từ nhiều tháng qua, De Lattre bị ung thư chân. Công việc điều khiển Đông Dương, những hành trình qua Pháp và qua Mỹ để xin viện trợ, sự đau buồn vì con chết trận đã làm De Lattre kiệt sức dần, bệnh tình càng ngày càng trầm trọng, đến ngày 19 tháng 11 năm 1951, De Lattre về Pháp để vào bệnh viện giải phẫu. Ngày 7 tháng 12 năm 1951 De Lattre bất tỉnh, đến ngày 12 tháng 12 năm 1951 thì từ trần. Chính phủ Pháp truy tặng hàm Thống chế Pháp và làm lễ quốc táng. Ngày 8 tháng 1 năm 1952, Raoul Salan được chính thức cử giữ chức Quyền Chỉ huy tối cao Quân đội viễn chinh thay De Lattre, Tổng trưởng Letourneau được cử giữ chức vụ Cao ủy, có cựu thống sứ Gautier phụ tá

Ngày 22 tháng 12, QĐNDVN làm tê liệt tuyến vận chuyển trên sông được coi là tuyến tiếp tế chính của Pháp. Tướng Salan vội dừng cuộc càn quét ở Bắc Ninh, điều gấp 2 binh đoàn cơ động trở lại Ba Vì và hữu ngạn sông Đà. Ngày 29 tháng 12 năm 1951, trên đường thuộc địa số 6, một đại đội lê dương bị phục kích bất ngờ làm chết 130 người trong số 200 người. Tin thiệt hại đó báo về Pháp trong lúc Quốc hội đang bàn cãi về ngân khoản chiến phí ở Đông Dương làm những nghị sĩ chống chiến tranh lên diễn đàn, tổng trưởng Letourneau bị đả kích nặng nề.

Đợt 1 chiến dịch kết thúc ngày 26 tháng 12. QĐNDVN tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến đấu 23 đại đội chủ lực Pháp, phần lớn là lính Âu-Phi, bắn chìm bảy canô, tàu, xuồng; bắn bị thương hai chiếc khác trên sông Đà, uy hiếp mạnh đường số 6, cắt đứt tuyến sông Đà.

Pháp cố gắng tăng viện cho Hòa Bình, vẫn không đánh thông được tuyến Sông Đà, phải chuyển sang củng cố tuyến đường 6, bảo vệ thị xã Hòa Bình.

Đợt 2 (27 tháng 12 năm 1951 - 25 tháng 2 năm 1952)

Ngày 6 tháng 1 năm 1952, tướng Salan quyết định rút toàn bộ lực lượng trên tuyến sông Đà, chỉ để lại cụm cứ điểm Đan Khê - Là Phù. Tất cả lực lượng rút về được tăng cường cho tuyến phòng ngự thị xã Hòa Bình - Đường số 6, quyết định này chưa kịp thực hiện thì đợt tiến công thứ ba của QĐNDVN bắt đầu.

QĐNDVN tiếp tục đánh mạnh hướng Sông Đà-Ba Vì, tập kích diệt quân đội Pháp ở các điểm cao 500 và 564; trên hướng Đường 6 tiến công các cứ điểm Đồi Mồi, Hàm Voi.

Đêm 29 tháng 12, trung đoàn 141 của Đại đoàn 312 tiến công diệt điểm cao 400, 600, diệt gần 100 lính, bắt 96 (có 35 lính lê dương). QĐNDVN hy sinh 16 người, bị thương 60 người. Cũng trong đêm 29 tiêu diệt Đồi Mồi. Đêm 31 đánh chiếm cao điểm Hàm Voi, tiêu hao một trung đội Âu Phi. Đây là những vị trí quan trọng trên đường 21 bảo vệ sườn cho tuyến thị xã Hòa Bình – Đường số 6.

QĐNDVN chuyển hướng tiến công chủ yếu sang đường 6 và bao vây thị xã Hòa Bình: tập kích tiêu diệt trận địa pháo và 4 vị trí quân đội Pháp ở trung tâm và ngoại vi thị xã; đánh cắt giao thông, làm tê liệt vận chuyển của quân đội Pháp trên đường 6. Trong vòng không đầy 1 giờ hai tiểu đoàn của trung đoàn 36 đã tiêu diệt gọn 4 vị trí Đồi Cháy, Đồi Dè, Khuỷu, Dậm và 1 trận địa pháo, nhưng đánh cứ điểm Pheo (xem trận Pheo, 7 tháng 1 năm 1952) và Đầm Huống không thành công.

Xóm Pheo, một tiền đồn cách 5 km về phía bắc Hòa Bình do Thiếu tá Roux và tiểu đoàn 2 Lê dương trấn giữ, bị trung đoàn 102 QĐNDVN tấn công. 50 khẩu sơn pháo 75 ly và pháo không giật của QĐNDVN nhả đạn vào đồn. Đến 1 giờ sáng thì QĐNDVN xung phong, dùng lựu đạn và mìn tràn vào các điểm phòng thủ. 700 phát trọng pháo 105 ly được các đồn Pháp bắn yểm trợ vào xung quanh đồn trong thời gian 15 phút QĐNDVN xung phong, cho đến lúc QĐNDVN tràn vào trong đồn và trận giáp la cà xảy ra, đến sáng thì QĐNDVN rút lui. Cả hai bên thiệt hại nhiều.

Mặc dầu thất bại trong trận tấn công Xóm Pheo, QĐNDVN cũng không rời bỏ khu vực thị xã Hòa Bình. Một mặt, QĐNDVN dùng chiến thuật "công đồn đả viện" và thường xuyên uy hiếp các đường tiếp tế thủy bộ để cầm chân số lớn lính Pháp (riêng tại đường số 6, Pháp phải dùng tới 16 tiểu đoàn để bảo vệ), một mặt mở một mặt trận khác về phía Phát Diệm, với các Đại đoàn 316, 320, làm Pháp phải chia quân ra nhiều nơi, cạn hết quân dự trữ. Bộ chỉ huy Pháp lúng túng lo ngại.

Ngày 27 tháng 1, Tổng Quân ủy họp, nhận định: "Theo thế chung thì muốn hay không muốn, địch cũng phải rút khỏi Hòa Bình". Căn cứ vào ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch đánh quân Pháp rút chạy.

Bị bao vây, cô lập ở Hòa Bình, lại bị đánh mạnh ở trung du, đồng bằng, sáng 23 tháng 2 quân Pháp buộc phải rút khỏi Hòa Bình theo cách cuốn chiếu. 17 giờ ngày 22 tháng 2 năm 1952, 5 tiểu đoàn Pháp ở thị xã lặng lẽ vượt sông Đà. Trung tá Ducourneau và Đại tá Gilles chỉ huy cuộc triệt thoái. Hơn 1.000 dân Mường, 20.000 binh sĩ cùng các chiến cụ, đạn dược khí giới vượt qua sông, tiến về Hà Nội bằng đường số 6.

Đại bộ phận quân Pháp đã qua sông, chỉ còn tiểu đoàn 2 dù (2e BEP) và tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê dương thứ 13 (3/13e DBLE) đang được máy bay và đại bác bảo vệ chặt chẽ, tiếp tục qua sông. Trung đoàn 36 lúc này mới phát hiện, pháo ở bến Ngọc đồng loạt bắn vào đội hình Pháp ở cả hai bên bờ sông Đà. Một chiếc ca nô bắn chìm, một số xe cơ giới bị phá hủy, nhưng tới trưa quân Pháp vẫn qua sông. Buổi chiều, trung đoàn 209 tiến công vị trí Pheo, khi GM1 đang rút khỏi đây. Máy bay Pháp nối nhau trút bom, bảo vệ cho binh lính chạy về phía đoàn xe trên đường 6. Trận địa phòng không 12,7 mm của QĐNDVN bắn rơi một máy bay F8F Hellcat. Ngày 24 tháng 2, quân Pháp ở Ao Trạch tiếp tục rút về Đồng Bãi, bị trung đoàn 9 Đại đoàn 304 chặn đánh một bộ phận, thiệt hại gần hai đại đội. Ngày 25 tháng 2, quân Pháp tiếp tục rút khỏi Đồng Bãi về Xuân Mai.

Nhìn chung, Pháp tổ chức rút quân chặt chẽ, dùng tới 30 nghìn viên đạn pháo để yểm trợ cho cuộc rút quân. QĐNDVN cũng không tổ chức tốt việc đánh quân đội Pháp rút lui nên chỉ diệt được một số, còn phần lớn quân đội Pháp chạy thoát về Xuân Mai. Sau hai ngày ba đêm, đoàn quân Pháp về đến nơi. Đoàn quân chặn hậu bị chặn đánh, thiệt hại khoảng 300 người chết và bị thương. Bộ chỉ huy Pháp mừng rỡ với sự tổn thất nhẹ như vậy.

Trong ba ngày đánh Pháp rút lui, QĐNDVN phá hủy 23 xe quân sự, thu trên 100 tấn đạn dược và quân trang, quân dụng. Ngày 25 tháng 2, Tổng Quân ủy quyết định kết thúc chiến dịch.